Tin mới

Vũ khí bí mật chống tham nhũng của Trung Quốc

Chủ nhật, 17/08/2014, 15:10 (GMT+7)

Để quyết liệt chống tham nhũng, Trung Quốc đã sử dụng một loại vũ khí bí mật rất hiệu quả, đó là cơ chế "song quy".

Để quyết liệt chống tham nhũng, Trung Quốc đã sử dụng một loại vũ khí bí mật rất hiệu quả, đó là cơ chế "song quy".

Trong tình cảnh nạn tham nhũng tràn lan ở Trung Quốc, câu hỏi đặt ra không phải là ai đã nhúng chàm, mà ai là người phải nhắm đến đầu tiên. Tuy nhiên đây lại là một câu hỏi đầy tế nhị về mặt chính trị.

Các tiểu ủy ban kiểm tra kỷ luật ở địa phương chỉ có thể điều tra các quan chức cấp thấp, và chỉ có Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ở Bắc Kinh mới có quyền điều tra các quan chức cấp thứ trưởng trở lên.

Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn biết rất ít về quy trình ra quyết định đối với những vụ nổi tiếng, chẳng hạn như vụ Bạc Hy Lai năm 2012 và vụ Chu Vĩnh Khang trong năm nay. Hai quan chức từng làm việc với ủy ban này cho biết trong những vụ nhạy cảm, quyết định cuối cùng cần được Bộ Chính trị thông qua, và một số trường hợp cần phải có sự đồng thuận của 7 ủy viên thường trực Bộ Chính trị.
Bởi vậy, để có thể bắt được những con “hổ to”, các điều tra viên hoặc là phải thu thập được những chứng cứ vô cùng xác đáng và vững chắc, hoặc là họ phải có khả năng ngăn chặn được sự can thiệp của người “bảo trợ” cho đối tượng bị điều tra.

Nhiều quan chức cho biết vụ điều tra Chu Vĩnh Khang kéo dài tới 18 tháng trời bởi vì những động thái chính trị như vậy. Các điều tra viên của Ủy ban Kiểm tra đã phải kiên nhẫn thu thập chứng cứ từng chút một bằng cách lần lượt chặt từng vây cánh của Chu Vĩnh Khang. Ngay cả khi Chu đã chính thức bị điều tra, người ta vẫn lo ngại rằng các “cựu thần” ủng hộ cho ông này sẽ có những động thái phản công.

Vũ khí bí mật chống tham nhũng của Trung Quốc

Các bức tường bên trong một cơ sở song quy đều được bọc đệm để tránh quan chức tự sát

Trong quá trình điều tra này, các điều tra viên phải vô cùng khôn ngoan, nếu không sẽ có thể chạm vào sợi dây dẫn tới những lãnh đạo cấp cao nhất hoặc những lĩnh vực mà họ không được phép điều tra.

Để làm được điều đó, các điều tra viên ở Ủy ban Kiểm tra phải có những kỹ năng thuần thục về kế toán để có thể phát hiện những tài sản phi pháp cũng như khả năng phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ trên điện thoại và máy tính tịch thu được của đối tượng điều tra.
Tuy nhiên, công cụ chủ yếu mà các điều tra viên vẫn thường áp dụng để có thể phá được những vụ án tham nhũng phức tạp vẫn là biện pháp thẩm vấn. Ủy ban Kiểm tra có quyền triệu tập bất cứ đảng viên nào trong suốt nhiều tháng trời để thẩm vấn, và quy trình đáng sợ này thường được gọi là shuanggui (sống quy – quy định đối).

Theo quy trình “song quy” này, cơ quan điều tra của đảng có quyền chỉ định cả thời gian và địa điểm để thẩm vấn các đảng viên bị nghi ngờ dính dáng đến tham nhũng và các hành vi vi phạm khác.

Điều gì xảy ra với các quan chức khi bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương “sờ gáy” và bắt giữ vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, một số quan chức từng làm việc với cơ quan này cho hay trong quá trình thẩm vấn, các điều tra viên ở cấp trung ương ít khi sử dụng đến bạo lực, nhưng họ vẫn có những phương pháp riêng để có thể moi được những thông tin quý giá.

Còn ở cấp địa phương, ủy ban kiểm tra kỷ luật của các tỉnh ủy, thành ủy lại có những biện pháp thẩm vấn “thô thiển” hơn rất nhiều. Đã có nhiều quan chức cấp tỉnh kể về việc bị đánh đập, bị dí tàn thuốc lá, bị nhấn nước và không được ngủ trong nhiều ngày trời khi bị triệu tập tới cơ quan điều tra của ủy ban kiểm tra kỷ luật. Nhiều người trong số họ đã tự tử vì không chịu được áp lực, hoặc chết một cách bí ẩn trong quá trình thực hiện “song quy”.

Tòa nhà xám hai tầng gần Đại học Thượng Hải ở quận Baoshan trông giống như các khu văn phòng khác trong nội đô, nhưng sự hiện diện của cảnh sát vũ trang quanh tòa nhà và việc cửa đóng then cài khiến người ta đoán đây là một trong những nơi bí mật nhất ở Thượng Hải.

Nơi đây, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc tham nhũng hoặc vi phạm kỷ luật bị cách ly với thế giới bên ngoài nhiều tháng trời, bị thẩm vấn, bị buộc tội mà không có bất cứ một văn bản nào hay tuân thủ một quy trình pháp lý nào.

Zhou Jianhu, một quan chức địa phương ở Giang Tô, Trung Quốc tố cáo rằng khi ông ta không chịu thừa nhận với các điều tra viên của ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh rằng ông đã nhận những khoản tiền hối lộ lớn, các điều tra viên đã đánh đập và buộc ông phải uống nước ở trong nhà vệ sinh cho đến khi chịu khai mới thôi.

Zhou khai: “Họ dùng người thân của tôi làm con tin, và tra tấn tôi không ngừng cho đến khi tôi thừa nhận các cáo buộc đó”. Những lời khai này của Zhou được luật sư ghi âm lại sau khi ông này bị kết án tử hình cho hoãn thi hành án 2 năm.

Theo các chuyên gia pháp lý, hệ thống “song quy” của Trung Quốc không chịu bất cứ sự giám sát nào của các cơ quan tư pháp và cũng không bị điều chỉnh bởi quy định nào của pháp luật.

Theo con số thống kê chưa chính thức, kể từ năm 2007 đến nay đã có hơn 15 quan chức Trung Quốc tự sát hoặc chết chết một cách bí ẩn trong các cơ sở “song quy” tại các địa phương Trung Quốc.

Tại các cơ sở song quy này, bàn ghế trong phòng thẩm vấn không có góc cạnh sắc nhọn, tường được bọc một lớp đệm dày để cách âm và ngăn các quan chức bị thẩm vấn đập đầu vào tường tự sát. Các căn phòng trong tòa nhà đều được gắn camera theo dõi 24/24.

Mới đây, hai quan chức địa phương tử vong bí ẩn sau khi bị tạm giữ trong hai cơ sở song quy ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang và thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam khiến người ta băn khoăn không biết chuyện gì thực sự diễn ra sau các cánh cửa đóng im ỉm.
Ông Yu Zusheng vẫn nhớ cảm giác vui mừng khi đón con trai Yu Qiyi từ Bắc Kinh trở về hôm 1/3 và bàng hoàng khi nhìn thấy thân thể bầm tím của con trong nhà xác 38 ngày sau đó. Yu Qiyi chết sau khi bị thẩm vấn trong song quy ở Ôn Châu.

“Tôi gọi cho các quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố để kiểm tra nguyên nhân cái chết của con trai tôi, nhưng họ không hồi âm”, ông Yu nói. Ủy ban này tạm giữ Yu Qiyi vì nghi ngờ ông này nhận hối lộ khi phê chuẩn một dự án nhà đất ở Ôn Châu.
Theo kết quả khám nghiệm pháp y, Yu Qiyi chết trong tình trạng có nước trong phổi trước khi được chuyển tới bệnh viện, và thân thể anh này đầy vết bầm tím.

“Một số người nói con trai tôi tự tử, một số nói nó ngã khi đang tắm, một số khác nói nó lên cơn đau tim. Chúng tôi yêu cầu khám nghiệm pháp y lại, nhưng phải do các bác sĩ ngoài tỉnh tiến hành, đồng thời yêu cầu tỉnh điều tra vụ việc”, ông Yu Zusheng nói.
Giới chức Ôn Châu đã thông báo điều tra và tạm giữ ba quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố và một sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc chịu trách nhiệm đối với cái chết của ông Yu Qiyi.

Vụ việc tương tự xảy ra với ông Jia Jiuxiang, Phó Chánh án Tòa án thành phố Tam Môn Hiệp, người bị tạm giữ ở song quy từ ngày 12/4. Mười một ngày sau, gia đình ông Jia nhận được điện thoại thông báo ông lên cơn đau tim và đang được điều trị tại bệnh viện.

Tới viện, họ nhìn thấy xác ông Xia tím bầm, cổ tay, cổ chân có sẹo, dấu hiệu của việc bị trói hoặc bị còng. Con trai ông Jia đã bỏ tiền thuê luật sư và lên mạng kêu gọi điều tra toàn diện, minh bạch về cái chết của bố mình.

Song quy được chính phủ Trung Quốc đưa ra lần đầu vào năm 1990 và dần dần được các cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc áp dụng trong nhiều nghi án tham nhũng.

Theo quy định của pháp luật, các sở công an Trung Quốc chỉ được tạm giữ người bị tình nghi tối đa 24 giờ, nên các quan tham có cơ hội hủy bằng chứng hoặc mua chuộc nhân chứng. Trong khi đó, các quan chức bị triệu tập đến cơ sở song quy lại không xác định thời hạn, vì vậy sự ra đời của song quy được nhiều người hoan nghênh.

Mặc dù bị nhiều người chỉ trích tình trạng lạm quyền tại các cơ sở song quy, song không thể phủ nhận được rằng đây là một trong những vũ khí bí mật giúp nhà chức trách Trung Quốc có thể lôi ra ánh sáng những quan chức tham nhũng vốn có quyền lực và tầm ảnh hưởng rất lớn.

Theo Khám phá

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news