Tin mới

Vụ mổ nhầm chân: Bác sỹ đã phẫu thuật gì ở chân bị nhầm suốt nhiều giờ?

Thứ tư, 20/07/2016, 18:07 (GMT+7)

Liên quan vụ việc bệnh viện Việt Đức mổ nhầm chân trái lộn sang chân phải, độc giả đặt nhiều câu hỏi về việc kíp mổ đã phẫu thuật những gì ở phần chân lành lặn của bệnh nhân trong nhiều giờ.

Liên quan vụ việc bệnh viện Việt Đức mổ nhầm chân trái lộn sang chân phải, độc giả đặt nhiều câu hỏi về việc kíp mổ đã phẫu thuật những gì ở phần chân lành lặn của bệnh nhân trong nhiều giờ.

Vừa qua, dư luận được một phen rúng động trước thông tin Bệnh viện hữu nghị Việt Đức phẫu thuật nhầm chân cho bệnh nhân tên Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội). Được biết, sau khi để xảy ra sự cố "nhầm" hy hữu này, lãnh đạo Bệnh viện đã gửi lời xin lỗi tới bệnh nhân và gia đình; đồng thời, phía bệnh viện sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về chi phí điều trị, hồi phục sức khỏe và cả theo dõi tình hình sức khỏe sau này của bệnh nhân Thảo.

Tại cuộc họp báo diễn ra tại bệnh viện vào sáng ngày 20/7, bạn đọc đã rất hy vọng được thông tin đầy đủ về vụ việc. Tuy nhiên, sau phần công bố thông tin của Phó Giám đốc bệnh viện - GS.TS. Trần Bình Giang, nhiều ý kiến độc giả cho rằng thông tin còn chưa được đầy đủ. Cụ thể, các bác sỹ đã mổ nhầm chân phải của bệnh nhân nhưng bệnh viện lại không công bố rõ phần chân mổ nhầm này đã "được" phẫu thuật những gì trong suốt nhiều giờ đồng hồ.

"Bác sỹ mổ bên chân phải ra rồi đã làm gì với cái chân hoàn toàn không bệnh? Trước đó, bệnh nhân được chỉ định mổ chuyển gân cơ chày sau lên trước để phục hồi chức năng chân trái. Vậy khi mổ bên chân phải, liệu có phải gân cơ chày cũng bị chuyển cho tới khi phát hiện "sự cố" thì mới được phẫu thuật đưa lại vị trí cũ?" - Độc giả Hàn Văn đặt câu hỏi.

Bệnh nhân Thảo đã bị mổ nhầm chân tại bệnh viện Việt Đức. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với độc giả Hàn Văn, độc giả Tú Như cũng bày tỏ: "Thực sự không thể hiểu nổi, chân lành lặn của bệnh nhân sau khi được mổ ra thì bác sỹ sẽ thao tác những gì trong cái chân ấy? Chính GS. Trần Bình Giang khẳng định, sau sự cố phẫu thuật nhầm, không thể nói là bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhưng... sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Vậy tại sao lãnh đạo bệnh viện không nêu cụ thể hơn về tình tiết "mổ nhầm" này vì qua đó thì mới có thể xác định được hệ quả mà bệnh nhân phải gánh chịu".

"Cái chân không đau, bác sỹ mổ ra, thực hiện vài thao tác phẫu thuật y khoa, xong lại được đóng lại thì liệu có gì đảm bảo sau này chân sẽ lành lặn hoàn toàn và sức khỏe của bệnh nhân không bị ảnh hưởng!" - độc giả Ngọc Hải nêu vấn đề.

Liên quan tới sự cố mổ nhầm chân cho bệnh nhân Thảo, tại cuộc họp công bố thông tin về vụ việc, bác sỹ trực tiếp mổ cho bệnh nhân lại không có mặt. Và theo tường trình ban đầu của bác sỹ này với lãnh đạo bệnh viện thì khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã chuẩn bị sẵn và gây tê, phủ vải cho bệnh nhân, chỉ chừa chân sẽ phẫu thuật. Hơn nữa, trước khi mổ, vị bác sỹ không xem hồ sơ bệnh án nhưng có hỏi bệnh nhân là: "mổ chân phải à anh?". Sau khi bệnh nhân "Ừ!" thì bác sỹ tiến hành các thao tác mổ như bình thường và không nghĩ là phẫu thuật nhầm chân.  

Tuy nhiên, trước phần "tường trình" của bác sỹ trong kíp mổ, độc giả lại "phản ứng". Có người đặt dấu hỏi: "Không lẽ trước khi mổ, bác sỹ không cần nghiên cứu bệnh án? Nếu không xem bệnh án thì sao có thể biết được bệnh nhân phẫu thuật ở đâu và phẫu thuật với mục đích gì. Trong trường hợp giả định, nếu ê kíp phụ mổ phủ kín các chỗ khác và chỉ để hở phần bụng của bệnh nhân thì liệu bác sỹ có "vô tư" mà tiến hành phẫu thuật vùng bụng?"

Trong khi đó, độc giả Trầm Hương thắc mắc: " Tại sao mổ nhầm mà vẫn không biết, và mổ cả cái chân lành lặn của bệnh nhân mà vẫn không nhận ra bị nhầm? Người thường thì có thể không phân biệt được hai chân của bệnh nhân, nhưng bác sỹ thì bắt buộc phải biết, nhất là khi mổ lộ ra cơ. Thật không thể hiểu nổi!"

Được biết, cách đây hơn 2 năm, anh Trần Văn Thảo bị Tai nạn giao thông, chấn thương ở đầu và chân. Để kiểm tra tình trạng sức khỏe, vừa qua, anh Thảo có đến bệnh viện Việt Đức để khám. Ngày 18/7, các bác sỹ khám và hội chẩn anh Thảo bị liệt thần kinh mác chung chân trái và được quyết định mổ chuyển gân cơ chày sau lên trước để phục hồi chức năng. 

Ngày 19/7, gia đình anh Thảo vào nhập viện để phẫu thuật như chỉ định của bệnh viện. Anh được đưa vào phòng mổ vào khoảng 11h trưa cùng ngày. Tỉnh dậy trong phòng hậu phẫu, anh Thảo hoảng hốt kêu với bác sỹ phẫu thuật rằng đã mổ nhầm chân phải thay vì chân trái. Phát hiện sự cố nhầm lẫn nên bác sỹ đã tiếp tục phẫu thuật chân còn lại cho anh.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news