Tin mới

WHO đã làm những gì trong đại dịch Covid-19?

Thứ năm, 16/04/2020, 14:35 (GMT+7)

WHO bị Trump cáo buộc bao che cho Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Vậy từ khi dịch bùng phát đến nay, tổ chức này thực sự đã làm được những gì.

Hãy theo dõi những tuyên bố chính của WHO để biết được cơ quan y tế lớn nhất hành tình đã làm những gì trong đại dịch Covid-19 này.

31/12/2019: Trung Quốc lần đầu báo cáo một loạt các trường hợp viêm phổi bất thường ở Vũ Hán lên WHO.

4/1: WHO đăng Twitter về "một nhóm các trường hợp viêm phổi" ở Vũ Hán, không có trường hợp tử vong. Họ nói đang điều tra nguyên nhân.

5/1: WHO ban hành hướng dẫn đầu tiên về "viêm phổi không rõ nguyên nhân". Tuyên bố nói có 44 bệnh nhân, 11 người nguy kịch. Triệu chứng chính được liệt kê là sốt, "một số ít bệnh nhân khó thở".

WHO cho biết "không có bằng chứng lây truyền từ người sang người" và "không có trường hợp nhân viên y tế nhiễm bệnh nào được báo cáo".

7/1: Trung Quốc cho biết họ đã xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi là "virus corona mới", sau này được WHO đặt tên là 2019-nCoV.

9/1: WHO ca ngợi Trung Quốc vì đã xác định được virus mới "trong một khoảng thời gian ngắn" và nhắc lại đánh giá virus "không truyền dễ dàng từ người sang người". Tổ chức cũng khuyến cáo chống lại những hạn chế đi lại hay thương mại đối với Trung Quốc.

13/1: WHO cho biết họ đang làm việc với các nhà chức trách Thái Lan sau khi nhận được báo cáo về một ca nhiễm ở đây và có thể kêu gọi một cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp.

14/1: Các tweet của WHO nói "không có bằng chứng cho thấy sự lây truyền từ người sang người tại Trung Quốc" mặc dù sau đó đã làm rõ và nói có sự lây truyền hạn chế giữa những người trong gia đình.

20-21/1: Nhóm thực địa của WHO tại Trung Quốc thực hiện chuyến đi thực địa ngắn đến Vũ Hán.

21/1: Ca Covid-19 đầu tiên trên đất Mỹ tại Washington. Người này trở về từ Trung Quốc một tuần trước đó.

22/1: Báo cáo từ nhóm WHO gửi tới Vũ Hán ghi chú sự lây nhiễm "từ người sang người" đang diễn ra, nhưng nói cần nghiên cứu thêm để đánh giá "mức độ đầy đủ". Báo cáo lưu ý 16 nhân viên y tế bị nhiễm, một dấu hiệu rõ ràng của lây nhiễm chéo.

Nhóm khuyên tránh các cuộc tụ tập lớn, cách ly người nhiễm bệnh và tập trung vào rửa tay là cách tốt nhất để chống lại sự lây lan của virus.

Cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp của WHO triệu tập lần đầu. Sau đó, tiến sĩ Tedros cho biết ông đã nói chuyện với Bộ Y tế Trung Quốc và ca ngợi chính phủ nước này vì những nỗ lực "vô giá" để ngăn chặn virus. Ông đã kêu gọi cuộc họp lần hai vào ngày hôm sau.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus xin các nhà lãnh đạo thế giới không chính trị hóa đại dịch. Ảnh: Getty

23/1: Ủy ban Khẩn cấp không nhất trí với nhau, tiến sĩ Tedros quyết định không tuyên bố virus là trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng. Nhắc tới lệnh phong tỏa ở Vũ Hán diễn ra cùng ngày, ông hy vọng "nó sẽ có hiệu quả và diễn ra trong thời gian ngắn". Ông ca ngợi "sự hợp tác và minh bạch" của Trung Quốc trong việc khắc phục virus.

Ông Tedros vẫn nói rằng có bằng chứng hạn chế về việc lây truyền từ người sang người, chủ yếu là lây giữa các thành viên trong gia đình hoặc các bác sĩ đang điều trị virus. Tại thời điểm đó, có 17 trường hợp tử vong ,584 ca nhiễm được xác nhận trên toàn cầu, bao gồm ở Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Ông đề nghị sàng lọc ở các sân bay và khởi động các cơ sở xét nghiệm. Tuy nhiên lại không đề xuất cấm đi lại.

28/1: Tedros và các quan chức cấp cao khác của WHO gặp ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc, đồng ý rằng nên cử một nhóm chuyên gia đến theo dõi dịch. Ông ca ngợi "sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc xử lý dịch, đặc biệt là cam kết từ nhà lãnh đạo cao nhất và sự minh bạch mà họ thể hiện".

29/1: Tổng giám đốc WHO có bài phát biểu ca ngợi những nỗ lực ngăn chặn virus của Trung Quốc. Ông nói đất nước này "xứng đáng được biết ơn và sự tôn trọng của chúng ta" khi phong tỏa các vùng để ngăn chặn sự lây lan. Ông lưu ý có ít trường hợp lây nhiễm từ người sang người bên ngoài Trung Quốc. Theo ông đây là "vấn đề nghiêm trọng" và sẽ được theo dõi chặt chẽ.

30/1: Ủy ban Khẩn cấp WHO tái lập sớm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm. Nó diễn ra sau khi những ca lây nhiễm truyền từ người sang người được xác nhận tại Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ.

Ông Tedros một lần nữa ca ngợi Trung Quốc vì "thiết lập một tiêu chuẩn mới cho ứng phó dịch" với việc phong tỏa. Ông nói số ca nhiễm bên ngoài ít, chỉ 98 ca là "nhờ vào nỗ lực của họ".

Mặc dù lưu ý rằng phần lớn những ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đều có lịch sử đi lại từ Vũ Hán, ông một lần nữa khuyến nghị không hạn chế du lịch hay thương mại quốc tế.

31/1: Tổng thống Donald Trump tuyên bố hạn chế đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc.

3/2: Tiến sĩ Tedros có bài phát biểu với WHO, cập nhật về Covid-19. Ông nói có 17.238 ca nhiễm tại Trung Quốc và 361 ca tử vong, hiện được cho là thấp hơn so với ước tính.

Ông ca ngợi Tập Cận Bình về khả năng lãnh đạo và khẳng định các ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc "có thể được quản lý" nếu chính quyền thế giới hợp tác và làm theo các khuyến nghị (vẫn không có cấm đi lại hay thương mại), hỗ trợ các nước có hệ thống y tế yếu, đầu tư vào vắc xin và chẩn đoán, chống lại việc giấu dịch và đánh giá khẩn cấp về sự chuẩn bị cho các trường hợp cấp cứu.

7/2: Bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm về Covid-19 tử vong vì virus.

10/2: Nhóm chuyên gia WHO đến Trung Quốc để hỗ trợ chống dịch bệnh.

11/2: WHO đặt tên cho căn bệnh là Covid-19, tránh dùng tên gắn với địa lý bởi có nguy cơ "kỳ thị" con người. Họ cũng không dùng SARS-CoV-2 vì có nguy cơ gây ra nỗi sợ không cần thiết khi liên kết với dịch SARS 2003.

12/2: Tedros nói số ca nhiễm mới được báo cáo tại Trung Quốc "ổn định" nhưng ông nói thêm điều này cần "được diễn giải hết sức thận trọng" và dịch "có thể đi theo bất cứ hướng nào".

16-24/2: Nhóm chuyên gia WHO triệu tập tại Trung Quốc, tới các địa điểm bị ảnh hưởng và chia sẻ thông tin về cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng.

17/2: Ông Tedros bắt đầu chủ trì cập nhật hàng ngày ứng phó dịch, mỗi cuộc họp bắt đầu bằng việc cập nhật số liệu ca nhiễm. Số ca nhiễm ở Trung Quốc được ông lặp lại mà không báo trước.

Ông đưa ra một phân tích dữ liệu của Trung Quốc về khoảng 44.000 ca nhiễm được xác nhận. Ông nói dữ liệu này cho thấy 80% các ca bệnh nhẹ, 14% dẫn đến nặng và 2% tử vong. Bệnh nặng hơn ở người già, người trẻ phần lớn không mắc. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đừng "phung phí" cảnh cửa hẹp để vượt qua và ngăn chặn virus lây lan.

26/2: Donald Trump công bố nhóm phản ứng với Covid-19 trong đó phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu.

28/2: Nhóm chuyên gia WHO đưa ra cảnh báo đầu tiên về Covid-19. Một trong những phát hiện chính là virus có thể đến từ loài dơi, lây lan qua tiếp xúc gần với người nhiễm chứ không qua không khí và các triệu chứng phổ biến là sốt, ho khan, mệt mỏi.

Báo cáo ca ngợi phản ứng của Trung Quốc rằng đây "có lẽ là nỗ lực ngăn chặn bệnh tật tham vọng, nhanh nhẹn và tích cực nhất trong lịch sử". Việc phong tỏa đạt được là do sự cam kết sâu sắc của người dân Trung Quốc đối với hành động tập thể và đã đạt được thành công là số ca nhiễm giảm nhanh.

9/3: Toàn bộ Italy bị phong tỏa khi virus lây lan. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn bộ.

11/3: WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Có nghĩa dịch đang lây lan khỏi tầm kiểm soát ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Tại thời điểm này, hơn 100 quốc gia đã phát hiện ca nhiễm.

13/3: WHO nói châu Âu hiện là tâm dịch mới sau khi số ca nhiễm tăng mạnh mẽ. Ông Tedros lưu ý "hầu hết các ca nhiễm đang được báo cáo hàng ngày nhiều hơn số ca nhiễm được báo cáo ở Trung Quốc tại thời điểm đỉnh dịch".

19/3: Trung Quốc báo cáo không có ca nhiễm mới trong nước kể từ khi dịch bùng phát.

20/3: Tiến sĩ Tedros đưa ra cảnh báo "những người trẻ không thể bất khả chiến bại" với virus sau khi dữ liệu bên ngoài cho thấy số lượng người dưới 50 tuổi phải vào ICU là rất lớn.

25/3: Khi Donald Trump bắt đầu nói hydroxychloroquine là cách điều trị Covid-19 tiềm năng, WHO cảnh báo rằng đến nay chưa có loại thuốc nào được chấp thuận để điều trị virus.

Cùng ngày, tổ chức này kêu gọi tài trợ thêm 2 tỷ USD để giúp ngăn chặn virus.

3/4: Khi hàng triệu người Mỹ ký nhận trợ cấp thất nghiệp, Tiến sĩ Tedros và IMF kêu gọi xóa nợ và phúc lợi xã hội để giúp mọi người vượt qua đại dịch.

6/4: WHO cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang, nói rằng chúng hiệu quả trong việc ngăn sự lây lan của virus, nhưng phải sử dụng cùng lúc với các phương pháp khác.

Nó được đưa ra sau khi CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn khuyên mọi người đeo khẩu trang nơi công cộng.

8/4: Sau những chỉ trích đầu tiên của ông Trump với WHO, Tiến sĩ Tedros kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "ngừng chính trị hóa đại dịch" trừ khi họ muốn "có thêm nhiều ca tử vong".

13/4: Một nhóm các nhà khoa học được WHO triệu tập để nghiên cứu một loại vắc xin cho Covid-19 đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe cộng đồng khoa học khi ứng phó với dịch.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news