Tin mới

Xác định chất độc thần kinh khiến hàng chục người thiệt mạng tại Syria

Thứ bảy, 08/04/2017, 09:27 (GMT+7)

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, theo kết quả xét nghiệm ban đầu, các nạn nhân vụ tấn công hóa học tại Syria hôm 4/4 có thể bị phơi nhiễm chất độc Sarin.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, theo kết quả xét nghiệm ban đầu, các nạn nhân vụ tấn công hóa học tại Syria hôm 4/4 có thể bị phơi nhiễm chất độc Sarin.

Thông tin trên được đưa ra hôm 6/4 vừa qua. Theo đó, có 31 nạn nhân vụ tấn công được điều trị tại bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, "Dựa trên kết quả kiểm tra, chúng tôi tìm thấy những bằng chứng cho thấy các nạn nhân có khả năng đã phơi nhiễm chất độc Sarin".

Sarin là chất độc khi ở dạng tinh khiết thì trong suốt, không màu, không mùi, không vị. Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ), bản chất Sarin là chất lỏng nhưng có khả năng bay hơi.

Do lý do không mùi vị nên khó có thể nhận biết Sarin bằng các giác quan thông thường. Người nhiễm Sarin nhẹ sẽ có triệu chứng chảy nước mũi, đau mắt, đổ mồ hôi, ho, thở gấp, đi tiểu nhiều và buồn nôn.

Nếu phơi nhiễm Sarin dạng nặng, nạn nhân có thể sẽ mất ý thức, tê liệt, co giật, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Năm 1988, quân đội Iraq được cho là đã sử dụng chất độc này để giết chết hàng nghìn người dân ở Halajba. Năm 1995, một nhóm cũng đã sử dụng Sarin để tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo. Do trong tàu kín, 12 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị nhiễm độc nhẹ.

Năm 2013, nguyên nhân của một cuộc tấn công khiến hơn 1.000 người Ghouta (ngoại ô Damacus, Syria) được xác định là Sarin. Chính phủ Syria cũng đã lên tiếng bác bỏ trách nhiệm về cuộc tấn công.

Sau vụ việc năm 2013, Syria mới tham gia Công ước về Vũ khí hóa học quốc tế theo thỏa thuận Mỹ - Nga và đồng ý chuyển giao kho dự trữ khoảng 2,8 triệu pound vũ khí độc hại, cũng như vô hiệu hóa chương trình vũ khí hóa học. Tuy nhiên, theo Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW, "không chắc chắn rằng Syria đã giao nộp toàn bộ số vũ khí hóa học của mình".

Hôm 4/4 vừa qua, một vụ oanh kích khiến hơn 80 người thiệt mạng đã xảy ra tại Idlib. Mỹ cùng nhiều nước cáo buộc Chính phủ Syria tiến hành vụ tấn công này bằng vũ khí hóa học.

Trong ngày hôm qua 7/4, Mỹ đã phóng tổng cộng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria.

Nghiêm Thu (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news