Tin mới

Công an xác minh thông tin gạo giả được phát tán trên mạng gây hoang mang

Thứ sáu, 22/12/2017, 16:16 (GMT+7)

Ngày 20/12, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip chia sẻ về hiện tượng khá “lạ” nghi là gạo giả được làm từ nhựa, gây hoang mang dư luận. 

Ngày 20/12, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip chia sẻ về hiện tượng khá “lạ” nghi là gạo giả được làm từ nhựa, gây hoang mang dư luận. 

Clip nghi vấn “gạo giả” được đăng tải khiến Cộng đồng mạng xôn xao. Ảnh chụp màn hình.

Theo đó, một đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một gia đình ở tỉnh Cà Mau dùng chảo rang gạo để kiểm tra nghi vấn gạo giả. Khi rang, gạo bị cháy đen, bốc khói, kết thành cục.

Sau khi gạo bị cháy đen, người thử nghiệm dùng bật lửa châm vào thì những cục đen này bắt lửa, cháy rồi từ từ tiêu tán hết.

Sự việc trên được tài khoản Facebook Thiên Hằng Thiên Bảo đăng tải lên mạng xã hội. Sau khi đăng tải, đoạn clip đã nhận được rất nhiều lượt thích và chia sẻ cùng những lời bình luận thể hiện sự hoang mang, hoài nghi về chất lượng gạo trên thị trường. Bởi trước đó, những thông tin về gạo độc, gạo giả... bị phát tán dù chưa được kiểm chứng cũng làm cho nhiều người tiêu dùng sợ hãi. Theo người đăng tải đoạn clip, loại gạo này được mua từ 1 cơ sở tại TT.Cái Nước, H.Cái Nước, tỉnh Cà Mau.    

Liên quan đến thông tin trên, ông Nguyễn Văn Đen - Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết, Thanh tra Sở đang phối hợp với Công an tỉnh Cà Mau đã xác minh được số điện thoại, địa chỉ của người đăng tin và tiến hành lấy mẫu gạo chỗ mua gạo đem đi kiểm định.

Cách đây không lâu, một người dân ở Đồng Tháp cũng rang gạo và thấy gạo bị cháy đen, bốc khói khét và sánh cục lại. Sau đó, các ban ngành đã đến gia đình người dân này để ghi nhận sự việc. Tại đây, đoàn công tác có cho cán bộ thực hiện rang một ít gạo của H. nghi vấn là giả thì đoàn không ghi nhận gì bất thường.

Theo các chuyên gia, giá gạo hiện nay khá rẻ, nên nếu có làm được gạo giả thì thành phẩm còn đắt hơn cả... gạo thật. Phần lớn các thông tin về "gạo giả" được phát tán trên mạng là thông tin không chính xác, không loại trừ người phát tán trên facebook để "câu like".

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news