Tin mới

Xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm: "Không có vùng cấm"

Thứ ba, 09/01/2018, 11:24 (GMT+7)

Việc đưa ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra xét xử cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Đồng thời cũng cho thấy việc xử lý tham nhũng sẽ không có "vùng cấm".

Việc đưa ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra xét xử cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Đồng thời cũng cho thấy việc xử lý tham nhũng sẽ không có "vùng cấm".

Tiền Phong cho hay, liên quan đến việc đưa ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra xét xử, nhiều ý kiến cho rằng đây là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Đồng thời cũng cho thấy, việc xử lý tham nhũng "không có vùng cấm".

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Tiền Phong

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ủy viên ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ "Việc đưa ra xét xử nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, một cán bộ cao cấp như vậy thì không chỉ thu hút sự chú ý công luận trong nước mà còn có sự quan tâm của cả dư luận quốc tế. Họ luôn theo dõi, coi cách làm và mức độ xử lý hành vi  sai phạm, tham nhũng của chúng ta thế nào. Điều này cũng cho thấy sự bình đẳng, công bằng với tất cả mọi người trước pháp luật, dù đó là người có chức vụ, hay một người bình thường.

Cũng theo ông Hòa, đây là một bài học đối với các cán bộ đảng viên có chức quyền dù to hay nhỏ, để cảnh tỉnh cho những ai đã nhúng chàm hoặc chưa nhúng chàm phải có ý thức tỉnh ngộ, không thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng, làm lũng đoạn ngân sách, lũng đoạn kinh tế quốc gia. Khi tay nhúng chàm thì phải bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật để răn đe, tạo sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Ông Hòa cũng mong muốn phiên tòa sẽ được xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không bao che, không dung túng. "Có công thì hưởng, có tội thì trừ , cân đong đo đếm công tội cho đầy đủ, rõ ràng theo quy định của Bộ Luật hình sự. Đây là một vụ án trọng điểm liên quan đến cán bộ cấp cao, nên việc xét xử phải đảm bảo công bằng, có đầy đủ chứng cứ, lập luận chặt chẽ để luận tội. Trên cơ sở đó đưa ra hình thức, mức phạt cho rõ ràng, cụ thể, công tâm".

Chung quan điểm với ông Hòa, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn vụ án được xử lý một cách triệt để. 

"Việc đưa ra xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh càng khẳng định quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác cũng khẳng định, phòng chống tham nhũng không có vùng cấm. Điều này sẽ càng củng cố lòng tin của nhân dân và cử tri trên cả nước".

Ông Tiến cũng mong muốn qua vụ xét xử này, sẽ mở rộng điều tra vụ án, tìm ra được những manh mối mà lâu nay chúng ta chưa biết được, xử lý triệt để và thấu đáo. "Bởi việc thất thoát tài sản nhà nước lớn như vậy không phải chỉ một người mà phải là một nhóm người, nhóm lợi ích. Vụ việc này cũng là một bài học trong công tác quản lý nhà nước, trong thanh tra kiểm tra, nếu phát hiện và xử lý kịp thời thì không đến mức bị mất nhiều cán bộ, nhiều tài sản như vậy".

Trước đó, Tri thức trực tuyến cho hay ngày hôm qua 8/1, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử 22 bị cáo trong vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC).

Với tính chất là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, phiên tòa đã thu hút đông đảo báo chí trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tham dự.

Sáng 9/1, TAND Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news