Tin mới

Xu hướng chuẩn bị hậu sự khi còn khỏe mạnh của người Nhật

Thứ hai, 17/11/2014, 19:56 (GMT+7)

Reuters đưa tin, nhiều người già tại Nhật không ngần ngại nằm thử quan tài, chụp ảnh thờ, trải nghiệm cảm giác rắc tro xuống biển, … để chuẩn bị hậu sự trong lúc còn khỏe mạnh nhằm có một tang lễ tươm tất và như ý khi chết.

Reuters đưa tin, nhiều người già tại Nhật không ngần ngại nằm thử quan tài, chụp ảnh thờ, trải nghiệm cảm giác rắc tro xuống biển, … để chuẩn bị hậu sự trong lúc còn khỏe mạnh nhằm có một tang lễ tươm tất và như ý khi chết.

 

Số công ty tổ chức hậu sự tại Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần từ năm 2000 đến 2013, hiện có gần 2.000 hãng nhận các dịch vụ liên quan đến người chết, trong khi Doanh thu tăng vọt từ 263 tỉ yen (2,3 tỉ USD) lên 598 tỉ yen (5,2 tỉ USD).

Mục đích của những người già Nhật Bản khi chuẩn bị hậu sự lúc còn khỏe mạnh là vì không muốn tạo gánh nặng cho con cháu, trong khi có những người chẳng có con cái để nhờ cậy.

Một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản, Aeon cũng chuyển sang cung cấp dịch vụ tang lễ, từ chuyện tư vấn cách viết di chúc sao cho hợp pháp, đến các quan tài mẫu có thể nằm thử để xem vừa người hay không.

Nhiều người không ngần ngại nằm thử quan tài để trải nghiệm cảm giác khi chết đi

Trong khi đó, Ryogoku Ryoen, dạng nghĩa trang đa tầng, giới thiệu dịch vụ cho phép lấy tro cốt nhanh chóng và chính xác dựa trên thẻ nhận dạng.

Một nghĩa trang hiện đại khác tại Tokyo, tên Ruriden, dành sẵn hơn 2.046 chỗ đặt bia mộ dưới dạng tượng Phật, được chiếu đèn LED tùy nhu cầu.

Còn Shukatsu, hay tour du lịch “ngày cuối của cuộc đời”, giá khoảng 10.000 yen (85 USD), cũng đang thu hút sự chú ý của người lớn tuổi khi cung cấp hình ảnh về viễn cảnh của đám tang một người trước khi họ mất.

Chụp ảnh thờ trước

Một cuộc thăm dò quốc gia hồi năm 2011 do giáo sư Kenji Mori ở Đại học Công giáo Ibaraki tiến hành cho thấy 60% người Nhật đang phải chăm sóc phần mộ cho họ hàng. Đa số người Nhật xem tang lễ là điều bắt buộc phải thực hiện và 40% sợ rằng sự kiện này có thể gây rắc rối cho thân nhân, hàng xóm.

Toshiko Sasaki, một quan chức quản trị tại Viện nghiên cứu mạng lưới cộng đồng nói rằng tình trạng già hóa nhanh ở Nhật Bản, tỷ lệ sinh thấp và mối quan hệ gia đình, cộng đồng thấp đã khiến nhiều người già cảm thấy bị cô lập, bỏ rơi.

"Các mối quan hệ gia đình đã thay đổi quá mạnh" - Sasaki nói - "Cũng vì thế, người ta giờ xem các lễ tang và các ngôi mộ phản ánh nguyện vọng riêng của bản thân, thay vì của gia đình hay tiền nhân". Các cuốn sách dạy cách viết di chúc đã trở thành sách bán chạy ở Nhật Bản và các buổi nói chuyện về "hoạt động kết thúc cuộc đời" đã thi nhau xuất hiện.

Nhật hoàng Akihito từng khiến cả đất nước ngạc nhiên khi hoàng gia công bố kế hoạch tổ chức hậu sự cho ông

"Cuộc sống sau khi về hưu rất dài và nhiều người vẫn còn khỏe mạnh, hoạt bát. Tôi nghĩ người ta muốn tự tay lo sớm các vấn đề của mình để có thể tiếp tục an hưởng cuộc sống mà không phải lo lắng về bất kỳ sự bất ổn nào khác", Kazuhiro Yoshida, phát ngôn viên dịch vụ tang lễ của công ty Aeon nhận xét.

Tháng 11/2013, Nhật hoàng Akihito đã khiến cả đất nước ngạc nhiên khi hoàng gia công bố kế hoạch tổ chức hậu sự cho ông. Tuy nhiên ước nguyện tổ chức tang lễ đơn giản và cả việc chuẩn bị trước tang lễ này đã nhanh chóng được xem là một hành động mẫu mực và được người dân tại đất nước có dân số đang già đi nhanh chóng chào đón hoan hỉ.

 

Theo Yên Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news