Tin mới

Tin tức pháp luật 24h: Cơ hội mong manh của Đường Nhuệ, Truy tố 4 cán bộ thanh tra vòi hơn 2 tỷ

Thứ ba, 21/07/2020, 11:53 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h: Cơ hội mong manh của Đường Nhuệ và cách hành xử đẹp của bị hại; Truy tố 4 cán bộ thanh tra vòi hơn 2 tỷ đồng...

Tin 1: Cơ hội mong manh của Đường Nhuệ và cách hành xử đẹp của bị hại

Mới đây, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường nhuệ, ngụ TP. Thái Bình) có động thái nhờ luật sư của mình gửi thư xin lỗi đến bị hại là bà Đinh Thị Lý, đồng thời ngỏ lời muốn được bồi thường thiệt hại bằng tiền mặt cho nạn nhân, trong vụ "dạy dỗ" tại trụ sở công an phường.

Liên quan đến việc xin lỗi và mong muốn bồi thường của Đường nhuệ, bà Đinh Thị Lý - nạn nhân đã chấp nhận khoản tiền bồi thường mà Đường nhuệ đưa ra. Tuy nhiên, bà Lý muốn chuyển toàn bộ số tiền này lại cho các con của Đường nhuệ. Nếu Đường nhuệ và các con của đối tượng không đồng ý thì bà Lý sẽ chuyển toàn bộ số tiền bồi thường nhận được đi làm Từ thiện.

Bày tỏ quan điểm về hành động này, ông Vũ Quốc Long Phi - nguyên Phó Chánh tòa hình sự, TAND Cấp cao tại TP. HCM trao đổi với Đất Việt, ông đánh giá đây là một việc làm tốt của Đường Nhuệ, nên làm và phải làm.

Bởi trong một vụ án được đưa ra xét xử, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự còn phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự, bồi thường chi phí khám chữa bệnh, tổn thất tinh thần cho nạn nhân.

>> Xem thêm: Ông trùm Văn Kính Dương: Vượt ngục tinh vi, mắc lưới tình định mệnh kéo theo vết trượt dài của Ngọc Miu

Vì vậy việc Nguyễn Xuân Đường bồi thường là điều bắt buộc, không sớm thì muộn cũng phải làm. Tuy nhiên, luật sư Phi cũng chỉ ra, nếu hành động này của Đường Nhuệ diễn ra sớm hơn, trước khi vụ án được đưa ra xét xử sẽ là một lợi thế cho đối tượng này. Bởi HĐXX sẽ căn cứ vào đó để nhận định về thái độ của đối tượng trong vụ án.

Còn ở thời điểm này, chuyện bồi thường của Đường Nhuệ chỉ được coi là một tình tiết cho thấy đối tượng đã có dấu hiệu ăn năn, hối lỗi còn chuyện xem đây như một tình tiết giảm nhẹ là khó, bởi còn căn cứ vào nhiều tình tiết khác và do HĐXX quyết định.

Tin 2: Thay tên, đổi họ, trốn ra biển đánh cá vẫn không thoát

Sáng 21/7, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã di lý Lê Hoàng Hảo (24 tuổi, người địa phương) từ đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) về Công an TP Buôn Ma Thuột để điều tra, xử lý về hành vi trộm cắp tài sản sau.

Theo thông tin ban đầu, Hảo không có việc làm ổn định, thường bỏ nhà sống lang thang. Sáng 9/1/2019, Hảo đi bộ qua nhà bà Vũ Thị Năm (50 tuổi, trú cùng xã), thấy cửa khóa ngoài. Hảo nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên đã phá khóa đột nhập vào trong.

Tại đây, Hảo lấy chiếc máy hút nước rửa xe, 1 bình hoa bằng đồng, nhiều đồ thờ cúng bằng đồng và nhiều tài sản khác. Khi Hảo đang gom tài sản để tẩu thoát ra ngoài thì bị 2 người con của bà Năm bắt quả tang giao cho cơ quan Công an.

Ngày 1/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Hoàng Hảo về hành vi "Trộm cắp tài sản".

Đến ngày 30/5/2019, Công an TP Buôn Ma Thuột ra lệnh bắt bị can để tạm giam nhưng Hảo đã bỏ trốn.

Sau khi rời khỏi địa phương, Hảo đã tới TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó đến Cà Mau rồi xin lên tàu làm nghề đánh bắt cá.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Hảo đã đổi tên thành Phạm Mạnh Lộc (SN 1995) và đổi quê là ở tỉnh Gia Lai.

Khoảng 2h sáng 20/7, tổ công tác của Công an TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Đồn biên phòng đảo Hòn Chuối đã bắt giữ Hảo khi đang đánh bắt cá trên biển.

Tin 3: Truy tố 4 cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng vòi hơn 2 tỷ đồng

Ngày 20/7, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 4 cán bộ thuộc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc về cùng tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Các bị can trong vụ án này gồm bà Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1975, Phó trưởng Phòng Phòng chống tham nhũng); ông Đặng Hải Anh (SN 1981, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2); bà Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1977, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3, em gái ruột của bà Kim Anh) và Nguyễn Thùy Linh (SN 1994, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) cùng bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”.

>> Xem thêm: Vụ livestream bắt tại trận 'tiểu tam': Nhan sắc người thứ 3 khiến dân mạng ngã ngửa

Theo hồ sơ điều tra, năm 2019, các bị can nêu trên được giao nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng tại một số dự án trên địa bàn UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Trong quá trình thực thi công vụ, Kim Anh trên cương vị trưởng đoàn, với mục đích vụ lợi, là người chủ mưu, đã chỉ đạo 3 bị can còn lại thực hiện nhiều hành vi trái thẩm quyền, không đúng chức trách được giao để đe dọa nhiều cá nhân, tổ chức liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng thuộc UBND các xã trong huyện Vĩnh Tường để chiếm đoạt tài sản.

Các bị can tổ chức thanh tra tràn lan, đưa ra các lỗi vi phạm, kiến nghị xử lý rất nặng, không có cơ sở… đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Đồng thời, không chấp nhận giải trình của chủ doanh nghiệp, ép doanh nghiệp, chủ đầu tư phải đưa tiền để được giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm.

Với thủ đoạn trên, chỉ sau hơn 1 tháng, các bị can đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thị Kim Anh với vai trò Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng chiếm đoạt khoảng 1,3 tỷ đồng.

Kết luận điều tra nhận định, hành vi của bị can Kim Anh là “đặc biệt nghiêm trọng”. Trong đó, bị can này vừa là người chủ mưu, chỉ đạo điều hành vừa là người thực hiện tội phạm.

Tin 4: Bắt 2 phóng viên tống tiền 5 tỷ đồng Phó Chủ tịch thị xã ở Thanh Hóa

Chiều 20/7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Đại tá Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 6 người liên quan đến vụ tống tiền lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa).

>> Xem thêm: Cuộc gọi 1% pin cuối cùng cho vợ của nam tài xế chạy GrabBike vào nửa đêm

Những người bị bắt gồm: L.X.H (SN 1978), L.T.Đ (SN 1988), L.T.S (SN 1974, đều ở thôn Nam Đoan Vỹ, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) và N.Q.H (SN 1979, ở Phương Mai, TP Hà Nội); Ph.V.A (SN 1986) và L.D.T (SN 1985, đều ngụ ở TP Thanh Hóa).

Trong đó, hai bị can P.V.A và L.D.T thời điểm bị bắt giữ đang công tác tại một cơ quan tạp chí.

Theo cơ quan điều tra, trong tháng 5/2020, nhóm người trên vào trụ sở UBND thị xã Nghi Sơn để gặp ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trao đổi qua lại chuyện công việc và dùng các thiết bị ghi hình để ghi lại cảnh giao dịch tiền nong với ông Tùng.

Sau đó, nhóm trên thương lượng, ra giá với Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, gây sức ép, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và buộc vị này phải đưa cho bọn chúng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trước tình hình trên, UBND thị xã Nghi Sơn đã chủ động báo cáo với cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news